Monday, March 24, 2014

Tìm hiểu công dụng của cây Ngũ Gia Bì


Còn gọi là xuyên gia bì, thích gia bì (ngũ gia bì gai). Tên khoa học Acanthopanax aculeatus Seem. Acanthopanax aculeatum Hook. Acanthopanax trifoliatus (L). Merr. Thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae.

Ngũ gia bì (Cortex Acanthopanacis) là vỏ rễ phơi khô của cây ngũ gia bì. Vì lá có 5 lá chét to chụm vào với nhau và chỉ dùng vỏ rễ làm thuốc nên có tên như vậy. Ngoài vị trên, tên ngũ gia bì còn chỉ nhiều vị khác nhau. Cần chú ý tránh nhầm lẫn.


 ​
A. Mô tả cây

Ngũ gia bì là một cây nhỏ, rất nhiều gai, cao chừng 2-3m. Lá mọc so le, kép chân vịt có từ 3-5 lá chét, phiến lá chét có hình bầu dục hay hơi thuôn dài, phía cuống hơi thót lại, đầu nhọn, mỏng, mép có răng cưa to, cuống lá dài từ 4-7cm. Hoa mọc khác gốc thành hình tán ở đầu cành. Ðầu mùa hạ ra hoa nhỏ màu vàng xanh. Quả mọng, hình cầu, đường kính chừng 2,5mm, khi chín có màu đen.


B. Phân bố, thu hái và chế biến

Ngũ gia bì mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, hay gặp nhất là ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Sapa (Lào Cai), Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Tây, Tuyên Quang. Có mọc ở Trung Quốc (Quảng Châu, Tứ Xuyên).


Thường đào cây vào mùa hạ hay mùa thu, lấy rễ, bỏ gỗ, lấy vỏ, phơi khô là được. Khi dùng để sống hoặc sao vàng sắc uống.


Vị thuốc thường là những cuộn ống nhỏ, dài ngắn không đều, dày chừng 1mm, vỏ ngoài màu vàng nâu nhạt, hơi bóng, có những nếp nhăn, bì khổng dài, mặt trong màu xám trắng, dai, mặt phẳng, có nhiều điểm vàng nâu. Mùi không rõ.


C. Công dụng và liều dùng

Ðông y coi ngũ gia bì là một vị thuốc có tác dụng mạnh gân cốt, khu phong hóa thấp, chủ trị đau bụng, yếu chân, trẻ con lên 3 tuổi chưa biết đi, con trai âm suy (dương sự bất cử), con gái ngứa âm hộ, đau lưng, tê chân, làm mạnh gân cốt, tăng trí nhớ, ngâm rượu uống rất tốt. Theo tài liệu cổ: Ngũ gia bì vị cay, tính ôn vào 2 kinh can và thận.


Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.


Ðơn thuốc có ngũ gia bì

Rượu ngũ gia bì: Ngũ gia bì sao vàng 100g, rượu 1 lít. Ngâm trong 10 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống một cốc con vào buổi tối trước bữa cơm chiều, chữa đau người, đau lưng, đau xương.

Ðơn thuốc dùng cho phụ nữ: Ngũ gia bì, mẫu đơn bì, xích thược, đương quy, mỗi vị 40g, tán nhỏ. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, chữa những phụ nữ bị lao lực, mệt mỏi hơi thở ngắn, sốt, ra nhiều mồ hôi, không muốn ăn uống.


CHÚ Ý: Tên ngũ gia bì còn dùng để chỉ nhiều vị thuốc khác nhau, vì vậy cần chú ý để tránh nhầm lẫn. Tại Việt Nam, ngoài cây nói trên, còn dùng với tên ngũ gia bì các vị thuốc sau đây:


a. Vỏ cây chân chim Vitex heterophylla Roxb. (Vitex quinata Williams), còn gọi là cây mạn kinh thuộc họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Cây cao chừng 25m, cành hơi vuông, lá kép chân vịt gồm 3-5 lá chét, mặt trên trắng, mặt dưới vàng, có những hạch nhỏ, lá chét hai bên nhỏ hơn lá chét ở giữa. Hoa vàng nhạt, môi dưới trắng, mọc thành chùy ở đầu cành. Quả hạch, hình lê, màu đen xám, có đài tồn tại. Cây này mọc nhiều ở vùng rừng núi miền Bắc, nhiều nhất ở vùng Hòa Bình. Nhân dân dùng vỏ sắc uống hay ngâm rượu vì cho rằng vị thuốc giúp ăn ngon, dễ tiêu.


b. Lá và cành cây đùm đũm hay ngấy chĩa lá, hay ngũ gia bì hoặc đũm hương (Rubus cochinchinensis Tratt. Rubus fruticosus Lour.), thuộc họ hoa hồng (Rosaceae).

Những công dụng của cây Xạ Đen


Một số bệnh nhân có bệnh đường tiêu hóa nói chung (viêm loét dạ dày, tá tràng; ung thư dạ dày mới phát hiện; viêm gan mạn tính; xơ gan đơn thuần hoặc ung thư gan giai đoạn đầu; sau mổ sỏi túi mật; viêm đại tràng mạn tính; rối loạn tiêu hóa, ăn chậm tiêu, táo bón...) đã uống nước sắc từ cây xạ đen, một số người dùng thấy có kết quả phần nào.

 ​
Cây xạ đen có tên khoa học là Celastrus hindsii Benth.et Hook. Trong xạ đen có chứa các chất: Fanavolnoid (chất chống oxy hóa có tác dụng phòng chống ung thư); Saponin Triterbenoid (có tác dụng chống nhiễm khuẩn); Quinon (có tác dụng làm cho tế bào ung thư hóa lỏng dễ tiêu). Cây xạ đen có tác dụng phòng chống trong điều trị ung thư, hạn chế phát triển của các khối u; tiêu viêm giải độc, mát gan; ăn ngủ tốt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng, dù sử dụng loại nam dược nào cũng tùy thuộc vào cơ địa của mỗi bệnh nhân, không phải bệnh nhân nào dùng cũng đạt kết quả như nhau được. Nhưng với cây xạ đen, theo chúng tôi được biết từ năm 2003 đã qua nhiều ứng dụng lâm sàng trong nước, nhưng chưa có một tác dụng phụ nào.

Có thể dùng xạ đen như sau: lấy 100 gam xạ đen rửa thật sạch cho vào siêu đất với 800 ml nước, đun sôi trên 30 phút rồi gạn lấy nước uống thay cho nước uống khác trong ngày. Dùng khi nào nước sắc nhạt màu thì thay ấm khác. Nước xạ đen nếu để trong tủ lạnh càng thơm ngon, rất dễ uống.

Đinh Hương, một loại cây thuốc quý


Có mùi hương dễ chịu và có nhiều tác dụng với sức khỏe nên đinh hương không những được dùng làm gia vị mà còn được chế biến làm thuốc chữa bệnh. Loại thảo mộc này là một vị thuốc có hình dáng giống như chiếc đinh và có mùi thơm, vì thế nên nó được dân gian đặt tên là đinh hương. Trong y học Trung Quốc, đinh hương được sử dụng để chữa lành chứng khó tiêu, nôn mửa, sát khuẩn, chống nấm và một số các bệnh khác. Ngoài ra, đinh hương còn được sử dụng để chế biến mỹ phẩm, làm gia vị…


 ​
Dưới đây là các tác dụng của loại thảo mộc quý này.


Xóa tan căng thẳng

Tinh dầu đinh hương có tác dụng kì diệu trong việc phá tan sự căng thẳng, mệt mỏi. Mùi thơm từ loại thảo dược này kích thích cơ thể thư thái, hưng phấn, giúp lấy lại sự cân bằng của cuộc sống.
Sử dụng một lượng tinh dầu đinh hương vừa đủ sẽ giúp bạn ngủ ngon, có lợi cho những người có mắc bệnh mất ngủ, trầm cảm…



Thúc đẩy tiêu hóa

Đinh hương thúc đẩy các enzyme trong cơ thể giúp tăng cường chức năng tiêu hóa. Chúng được sử dụng để chữa bệnh đau dạ dày và rối loạn tiêu hóa.



Uống hỗn hợp bột đinh hương trộn mật ong có hiệu quả trong việc giảm ói mửa đồng thời xoa dịu cơn đau dạ dày.
Đặc biêt, đinh hương hoàn toàn lành tính đối với phụ nữ có thai, chỉ cần xoa một chút dầu đinh hương pha loãng là bạn có thể đánh bay cơn đầy bụng khó chịu.



Chữa lành chứng đau răng

Nhắc đếnđinh hương, chúng ta không thể không nhắc đến công dụng chữa đau răng hiệu quả. Chỉ cần chà một chút tinh dầu đinh hương vào chỗ răng bị viêm nhiễm, đau nhức, sau một vài phút bạn sẽ có cảm giác bị tê, giảm đau, sát khuẩn hiệu quả. Chính vì thế, đinh hương là một thành phần để chế biến ra kem đanh răng, nước xúc miệng, thuốc chữa đau răng, thuốc làm trắng răng…



Ngoài ra, mùi hương của tinh dầu này còn có tác dụng hữu hiệu trong việc loại bỏ mùi hôi răng miệng. Hòa vài giọt tinh dầu đinh hương vào nước và súc miệng hàng ngày sẽ cải thiện dần mùi hôi khó chịu ấy.



Sát khuẩn

Đinh hương có tính sát trùng rất cao. Dầu đinh hương được sử dụng để điều trị các vết thương ngoài da như nhiễm trùng, bầm tím, vết cắt, nấm, ghẻ, vết côn trùng đốt...



Hơn nữa, loại thảo dược này còn được sử dụng để trị mụn trứng cá, dưỡng da… Dầu đinh hương khá mạnh, khi sử dụng trên da hãy nhớ pha loãng tinh dầu này.



Giảm ho

Khí hậu thay đổi khiến cơ quan hô hấp của bạn chưa thích nghi kịp thời, điều đó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ho kéo dài.



Tuy nhiên, bạn hãy ngậm hỗn hợp bột đinh hương trộn với vài hạt muối tinh để dập tắt các cơn ho ấy. Đinh hương có tác dụng loại bỏ đờm và vi khuẩn gây bệnh trong cổ họng vì tính kháng khuẩn rất cao.



Giảm đau xương khớp

Ngâm đinh hương, quế, gừng vào rượu trắng khoảng 7 ngày là bạn đã có một chai dầu xoa bóp chữa trị bệnh đau khớp hữu hiệu. Ngoài ra, bạn cũng có thể giã nhỏ hỗn hợp này rồi sao nóng và chườm lên chỗ đau mỏi, hiệu quả sẽ rõ rệt.

Cây Chó Đẻ kháng bệnh gan

Trong Đông y, cây chó đẻ có vị ngọt, nhầy nhậy đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, sát trùng, tốn ứ, thông huyết mạch, điều kinh, thanh càng, hạ nhiệt… dùng làm thuốc chữa các bệnh đau gan, đau thận, bệnh đường tiết niệu, đường ruột, bệnh ngoài da.


Gọi là cây chó đẻ vì chó sau khi đẻ thường tìm lá cây này để ăn. Cây chó đẻ còn gọi là chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu, diệp hạ châu đắng, diệp hòe thái, lão nha châu. Tên Hán Việt khác như trân châu thảo, nhật khai dạ bế, diệp hậu châu. Cây có hạt tròn xếp thành hàng dưới lá nên gọi là diệp hạ châu (diệp: lá, hạ: dưới, châu: ngọc tròn).



Có hai loại: diệp hạ châu ngọt (phyllanthus urinaria L.) và diệp hạ châu đắng (phyllanthus amarus schum et thonn), cùng họ thầu dầu (euphorbiaceae). Cả 2 loại đều giàu dược tính nên ngay từ xa xưa, 2 loại này đã được dùng làm thuốc. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây (được cắt phần trên mặt đất của cây).

Khoa học đã chứng minh cây chó đẻ chữa bệnh viêm gan siêu vi B rất tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng cây chó đẻ nên biết những cảnh báo cần thiết


Kháng virus viêm gan B
Cây chó đẻ có chứa nhiều chất thuộc nhóm hóa học khác nhau như flavonoit, alkaloid phyllanthin; các hợp chất hypophyllanthin, nirathin, phylteralin, tritequen, tamin, axit hữu cơ, phenol, lignam... 

Về dược năng, thí nghiệm về hoạt tính bảo vệ gan của cây chó đẻ cho thấy có tác dụng bảo vệ gan. Các thí nghiệm với kháng nguyên HbsAg chứng tỏ cây chó đẻ có tác dụng kháng virus viêm gan B. Đông y cho rằng cây chó đẻ vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, thông huyết, điều kinh, thanh can, lương huyết, hạ nhiệt...; thường được dùng làm thuốc chữa các bệnh đau gan, thận, đường tiết niệu, đường ruột, bệnh chứng ở ngoài da.

Tác dụng giải độc gan và chữa viêm gan siêu vi B chỉ mới được các nhà khoa học lưu ý từ những năm 1980 về sau. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản và Ấn Độ cho biết họ đã phân lập được những hợp chất trong cây diệp hạ châu có khả năng chữa bệnh viêm gan. Một báo cáo trên tạp chí Lancet vào năm 1988 cũng xác định tác dụng này. Theo đó, 2 nhà khoa học Blumberg và Thiogarajan đã điều trị 37 trường hợp viêm gan siêu vi B với kết quả 22 người âm tính sau 30 ngày dùng diệp hạ châu. Đối với viêm gan siêu vi, 50% yếu tố lây truyền của virus viêm gan B trong máu đã mất sau 30 ngày sử dụng loại cây này (với liều 900 mg/ngày).

Tiếp theo đó, một nghiên cứu tiến hành năm 1995 cho thấy cây chó đẻ có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp tâm thu ở người không bị đái tháo đường và giảm đáng kể đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.


Một số bài thuốc thông dụng
Dưới đây là một số cách trị bệnh từ cây chó đẻ.

- Chữa viêm gan B: chó đẻ 30 g, nhân trần 12 g, sài hồ 12 g, chỉ từ 8 g,
hạ khô thảo 12 g, sắc (nấu) uống mỗi ngày 1 thang.
- Chữa viêm gan do virus: Diệp hạ châu đắng sao khô 20 g, sắc nước 3 lần. Trộn chung các nước sắc, thêm 50 g đường đun sôi cho tan, chia làm 4 lần uống trong ngày. Khi kết quả xét nghiệm HBsAg (-) thì ngừng thuốc.
- Chữa xơ gan cổ trướng thể năng: Diệp hạ châu đắng sao khô 100 g sắc nước 3 lần. Trộn chung nước sắc, thêm 150 g đường đun sôi cho tan, chia nhiều lần uống trong ngày (thuốc rất đắng), liệu trình 30 - 40 ngày. Khẩu phần hằng ngày phải hạn chế muối, tăng đạm (thịt, cá, trứng, đậu phụ).
- Chữa suy gan (do sốt rét, sán lá, lỵ amib, ứ mật, nhiễm độc): Diệp hạ châu (ngọt hoặc đắng) sao khô 20 g, cam thảo đất sao khô 20 g, sắc nước uống hằng ngày.
- Chữa bệnh chàm (eczema) mãn tính: Dùng cây chó đẻ vò, xát nhiều lần vào chỗ bị chàm, làm liên tục hằng ngày sẽ khỏi.
- Chữa sốt rét: Cây chó đẻ 8 g; thảo quả, dây hà thủ ô, lá mãng cầu ta tươi, thường sơn, dây gắm mỗi vị 10 g; bình lang (hạt cau), ô mai, dây cóc, mỗi vị 4 g, đem sắc với 600 ml nước còn 200 ml, chia uống 2 lần trước khi lên cơn sốt rét 2 giờ. Nếu không hết cơn, thêm sài hồ 10 g.


Tăng nguy cơ vô sinh?
Dưới đây là một số cảnh báo cần lưu tâm, dù chưa có nghiên cứu kiểm chứng.

Hiện trên thị trường có khá nhiều chế phẩm dùng điều trị viêm gan dưới các dạng của những cơ sở sản xuất có dùng dược liệu từ cây chó đẻ. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu cây cho' đẻ để sản xuất các chế phẩm này là từ nguồn hoang dại, trong khi một cây thuốc mọc ở vùng địa lý, thổ nhưỡng khác nhau có thể có hiệu quả điều trị khác nhau. Bởi vậy, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có số đăng ký của cơ quan y tế thẩm quyền cấp.

Mặt khác, có thông tin cho rằng người khỏe mạnh dùng cây chó đẻ uống hằng ngày sẽ dẫn tới xơ gan, teo gan. Bởi theo nguyên lý, khi mật không tiết ra (ở người có bệnh như viêm mật, tắc mật…) thì mới cần lợi mật và khi gan có vấn đề thì mới phải nhuận gan. Nếu không có bệnh mà lại uống cây chó đẻ hằng ngày là bắt gan và mật không có nhu cầu cũng phải tiết ra khiến các cơ quan này phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.

Với tính đắng, hàn nên cây chó đẻ có tác dụng giải nhiệt. Người không bị nhiệt dùng vị thuốc này không những không giúp ích gì cho sức khỏe mà còn khiến cơ thể quá hàn. Dù chưa có nghiên cứu trên diện rộng để kết luận về việc gây vô sinh của cây chó đẻ nhưng theo lý thuyết đông y, khi cơ thể quá hàn thì khó thụ thai. Cây chó đẻ làm tăng tính hàn nên về lý thuyết, chúng tăng nguy cơ vô sinh.

Tìm hiểu về cây Kỷ Tử

Tương truyền, vào đời Đường, tể tướng Phòng Huyền Linh vì dụng tâm quá độ giúp Đường Thái Tông cai quản triều chính nên tinh thần luôn bất an, cơ thể mỏi mệt. Nhờ được thái y cho dùng canh kỷ tử nấu với mộc nhĩ trắng thường xuyên mà sức khỏe và tinh thần của ông dần phục hồi.



 ​
Kỷ tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây khởi tử, tên khoa học là Lycium barbarum L. Thời cổ đại, nó còn được gọi bằng các tên như thiên tinh (tinh của trời), địa tiên (tiên của đất), khước lão (đẩy lui tuổi già). Chỉ cần mỗi ngày lấy 15 g kỷ tử hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15-20 phút là ta đã có được một thứ nước màu đỏ đẹp, thơm ngon, vừa có tác dụng giải khát thay trà lại vừa có công năng bổ thận, ích tinh và dưỡng can, minh mục. Loại trà này thường được cổ nhân dùng để bồi bổ cơ thể và phòng chống tích cực các chứng bệnh như suy nhược toàn thân sau bệnh nặng, đầu choáng mắt hoa, giảm thị lực, lưng đau gối mỏi, nhược dương, di mộng tinh, xuất tinh sớm, muộn con...



Tại Trung Quốc, kỷ tử phân bố ở nhiều nơi nhưng loại được trồng ở Ninh Hạ có chất lượng cao hơn cả. Ở đây, người ta gọi vị thuốc này là "minh mục tử", có nghĩa là thứ quả làm sáng mắt. Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa ở Ninh An thuộc tỉnh Ninh Hạ có một cô gái tên là Cẩu Hồng Quả. Cha cô không may mất sớm, vì quá thương nhớ chồng, mẹ cô khóc nhiều đến nỗi cả hai con mắt bị bệnh không nhìn thấy gì cả. Để chữa bệnh cho mẹ, Cẩu Hồng Quả đã không quản gian lao khó nhọc, ngày đêm trèo đèo lội suối lên tận Nam Sơn hái thuốc. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô, tiên ông Bạch Hồ Tử đã hiện ra và chỉ dẫn Cẩu Hồng Quả thu hái kỷ tử về làm thuốc cho mẹ cô uống. Quả nhiên, sau một thời gian dùng thuốc, mắt mẹ cô ngày càng sáng ra và khỏi hẳn. Vì thế, dân trong vùng gọi thảo dược này là "minh mục tử" và coi đó là thứ "linh đan diệu dược" chuyên chữa bệnh về mắt.

Theo dược học cổ truyền, kỷ tử vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ can thận, dưỡng huyết, minh mục và nhuận phế. Nếu can thận âm hư thì tinh và huyết đều thiếu, không thể nuôi dưỡng mắt đầy đủ được, phát sinh chứng hoa mắt, mắt mờ, thị lực giảm sút... Kỷ tử là vị thuốc vào được cả kinh can và thận, một mặt bổ ích thận tinh, một mặt bổ dưỡng can huyết nên có thể chữa được các chứng bệnh như đầu choáng, mắt hoa, nhìn mờ, tai ù, tai điếc, lưng đau, gối mỏi, di tinh, liệt dương...


Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, kỷ tử là một trong những vị thuốc có tác dụng dược lý rất phong phú:

- Cải thiện và điều tiết công năng miễn dịch của cơ thể.
- Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống nội tiết Hạ khâu não - Tuyến yên - Tuyến thượng thận.
- Bảo vệ tế bào gan, ức chế sự lắng đọng chất mỡ trong gan, thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan.
- Điều chỉnh rối loạn lipid máu, làm hạ cholesterol và làm chậm sự hình thành các mảng vữa xơ trong huyết quản.
- Hạ đường huyết.
- Làm giãn mạch và hạ huyết áp.
- Thúc đẩy quá trình tạo huyết của tủy xương.
- Chống ôxy hóa và làm chậm sự lão hóa.
- Nâng cao sức chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu ôxy, phòng chống tích cực trạng thái mệt mỏi.
- Chống phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư...

Để nâng cao tác dụng của trà kỷ tử, tùy theo thể chất và chứng trạng cụ thể, người ta thường thêm một số vị thuốc khác như: cúc hoa (để làm sáng mắt và chữa đau đầu, chóng mặt), mạch môn và ngũ vị tử (cải thiện trí nhớ và làm cho tinh thần tỉnh táo), thảo quyết minh, đan sâm và hà thủ ô (bổ can thận và làm hạ mỡ máu), đương quy và đại táo (dưỡng huyết, làm tăng hồng cầu trong máu ngoại vi), toan táo nhân và ngũ vị tử (dưỡng tâm, an thần), đông trùng hạ thảo (để bổ thận trợ dương) ...

Vị thuốc từ Cúc Vạn Thọ

Là loại cây thảo mọc đứng ,cao từ 0,6-1m phân nhánh thành bụi có cành trải ra. Lá chẻ ra hình lông chim,các thùy dài ,hẹp,có khía răng cưa.Đầu hoa tỏa tròn,rộng khoảng từ 3-4cm ,mọc đơn độc hoặc tụ họp thành ngù,lá bắc bao chung hàn liền với nhau,hoa màu vàng hay vàng cam,quả bế có 1-2 vẩy ngắn.
Cúc vạn thọ có rất nhiều công dụng như:lá cúc vạn thọ giúp làm mát gan,phổi ,giải nhiệt ,chữa đau mắt ,viêm khí quản ,viêm miệng ,viêm hầu ,đau răng,dùng đắp ngoài để trị viêm tuyến mang tai,viêm vú ,viêm da có mủ.


Hoa vạn thọ có mùi hương dễ chịu,lá và hoa có nhiều dược tính,nhiều công dụng về điều trị các bệnh về đường tiêu hóa,kích thích tuần hoàn máu. Hoa có chứa nhiều vitamin C,protein,flavonoids. Để điều trị vùng da bị viêm nhiễm: chúng ta dã nhỏ 1 nắm hoa cúc vạn thọ và vắt lấy dịch dùng dịch này để bôi.dịch ép từ lá cũng có tác dụng tương tự.Khi mắt bị viêm ,đau có thể dùng hoa pha trà để uống.
-Hoa có tác dụng làm thư thái tinh thần bằng cách làm nước tắm.Để làm nước tắm cho hoa vạn thọ vào 1 lít nước rồi đem để vào tủ lạnh trong vòng 24h.Sau đó lấy ra rồi đun sôi trong 10 phút,cho vào bồn tắm hoặc pha thành nước ấm để tắm,chúng ta sẽ cảm thấy rất thoải mái trong những ngày lạnh giá..Mùi hương và hóa chất có trong hoa sẽ giúp chúng ta giải tỏa bớt ưu phiền.
-Bị ho gà thì dùng :15g cúc vạn thọ+10g đường phèn,đem cả hai nấu lấy 150ml nước chia làm 3laanf dùng trong ngày.Uống liền từ 3-5 ngày như vậy.
Bị đau răng có thể dùng 5 bông hoa cúc vạn thọ+5 chiếc lá nhãn+15 hạt muối giã nhỏ,chia làm 3 phần đều nhau để dùng,mỗi lần đặt 1 phần như thế vào nơi bị đau răng.
-Bị đau mắt đỏ thì dùng:10 lá của hoa cúc vạn thọ+10 lá dâu non.rửa sạch rồi cho vào ca đựng nước ,cho nước sôi vào để xông hơi lên phía mắt bị đau(không để quá gần dễ làm bỏng mắt,hoặc sức nóng làm giãn mạch và các mao mạch căng vỡ).Ngày làm 1 lần ,làm liên tục từ 2-3 ngày như vậy.
-Trị mụn nhọt: mụn chưa bị vỡ dùng 15g lá cúc vạn thọ +15g lá táo ta+ 10 hạt muối ăn giã nhỏ đắp vào chỗ đau ngày một lần.
-Để chữa hen :thì dùng hoa cúc vạn thọ+rau cần +nhân trần+củ tần sét+ thài lài tía+rễ bạc đồng nữ+tinh tre mơ (mỗi loại 10g) đem thái nhỏ ,phơi khô,sắc uống ngày 1 tha g như thế
-Bị kiết lị:thì lấy 15g cúc vạn thọ giã nát vắt lấy nước cho thêm ít đường để uống.

Một số bài thuốc về cây Chùm Ngây


Cây chùm ngây hay ba đậu dại (Moringa oleifera) là loài thực vật thân gỗ phổ biến nhất trong Chi Chùm ngây (Moringa) thuộc họ Chùm ngây (Moringaceae), xuất xứ từ vùng Nam Á nhưng cũng mọc hoang và được trồng, khai thác, sử dụng nhiều nơi trên thế giới do có giá trị kinh tế cao.


Trong tiếng Anh, cây chùm ngây có nhiều tên gọi khác nhau như “cây thần diệu” (Miracle tree), “cây kỳ quan” (Wonder tree), “cây vạn năng” (Multipurpose tree), “cây độ sinh” (Tree of life, theo quan điểm nhà Phật), “cây cải ngựa” (Horseradish tree, do rễ non của cây có vị của cải ngựa, mù tạt), “cây dùi trống” (Drumstick tree, do thân/quả cây giống dùi trống), “cây dầu bel” (Bel-oil tree, do dầu ép từ hạt cây được bán với tên gọi bel-oil).


Về sinh dưỡng học hầu hết các bộ phận sống của cây chùm ngây đều có chứa đủ các thành phần dinh dưỡng, có thể giúp ích cho sự sống của con người và động vật.

Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, acid amin và nhiều hợp chất phenol. Cây chùm ngây cung cấp một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất quý hiếm như zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và kaempferol. Một số nguồn nghiên cứu cho biết chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống ôxi hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan.

Lá cây được dùng làm rau ăn (lá, chồi, cành non và cả cây con được dùng trộn dầu dấm ăn thay rau diếp), làm bột cà-ri, ủ chua làm gia vị, làm trà giải khát... Ở châu Phi, cây được dùng để chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Lá chùm ngây chứa nhiềuvitamin và muối khoáng có ích, với hàm lượng rất cao: vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần rau diếp, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và potassium gấp 3 lần trái chuối.

Hoa chùm ngây có thể dùng để làm rau ăn hoặc làm trà (nhiều nước phương Tây sản xuất trà hoa chùm ngây bán ngoài thị trường), cung cấp tốt nguồn muối khoáng canxi và potassium. Nó cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu rất tốt cho người nuôi ong. Quả non có thể chiên xào để ăn với hương vị như măng tây.

Hạt chùm ngây chứa nhiều dầu, lượng dầu chiếm đến 30 - 40% trọng lượng hạt, có nơi trồng chùm ngây ép dầu. Dầu hạt chùm ngây chứa 65,7% acid oleic, 9,3% acid palmitic, 7,4% acid stearic và 8,6% acid behenic. Ở Malaysia, hạt chùm ngây được dùng để ăn như đậu phụng. Dầu chùm ngây ăn được, và còn được dùng bôi trơn máy móc, dùng cho công nghệ mỹ phẩm, xà phòng,...

Các đoạn rễ non được dùng làm rau thay cho cải ngựa. Cải ngựa là một loại rau diếp với tên khoa học là Armoracia rusticana, tên tiếng Anh là Horseradish, vì thế cây chùm ngây còn có tên tiếng Anh là "Horseradish tree" và cũng từ đó, người Việt còn gọi nó là "cây cải ngựa"

Cây xuất xứ từ vùng Nam Á, có lịch sử hơn 4 ngàn năm, nhưng phổ biến rất nhiều ở cả Châu Á và Châu Phi. Những nghiên cứu về chùm ngây đa số được thực hiện ở Ấn Độ, Philippines và Châu Phi. Cây được biết đến và sử dụng từ hàng ngàn năm ở các nước có nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ý, Ấn Độ. 

Các tổ chức phi chính phủ là "Trees for Life International", "Church World Service", "Educational Concerns for Hunger Organization" và "Volunteer Partnerships for West Africa" đã ủng hộ cho cây chùm ngây là "nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho các nước nhiệt đới". Một nhà nghiên cứu đã công bố rằng "bột lá chùm ngây có tác dụng dinh dưỡng và có thể sử dụng để chống lại nạn đói."


MỘT SỐ BÀI THUỐC VỀ CÂY CHÙM NGÂY

Theo bác sĩ đông y Nguyễn Văn Nghị (Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai), các bộ phận của cây, như: lá, rễ, hạt, vỏ cây, quả và hoa có những hoạt tính như kích thích hoạt động của tim và hệ tuần hoàn, hoạt tính chống ung bướu, hạ nhiệt, chống kinh phong, chống sưng viêm, trị ung loét, chống co giật, lợi tiểu, hạ huyết áp, hạ cholesterol, chống ôxy hóa, trị tiểu đường, bảo vệ gan, kháng sinh và chống nấm. Riêng hạt và hoa chùm ngây có tác dụng chữa các triệu chứng về gout, huyết áp, giảm stress, tăng cường sinh lực. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không nên dùng rễ chùm ngây, vì có khả năng gây sảy thai.

1. Trị u xơ tiền liệt tuyến:
(Bệnh nhân tiểu khó, tiểu rắt (nhắt), đang tiểu bị ngắt giữa dòng, dòng tiểu bị giảm đột ngột)
Bài thuốc 1:
-Vỏ cây chùm ngây 50g - Dây Sống chua (Lá nấu canh chua, mọc nhiều ở Quảng Ngãi) 50g Xắt nhỏ, phơi khô, sao vàng. Nấu nước uống hằng ngày. Liên tục 1-2 tháng.
Bài thuốc 2:
- Dùng 100gr rễ chùm ngây tươi và 80gr lá trinh nữ hoàng cung tươi (hoặc dùng rễ chùm ngây khô 30gr và lá trinh nữ hoàng cung khô 20gr). Đem nấu với 2 lít nước, nấu còn lại nửa lít thuốc. Uống ấm 3 lần trong ngày.

2. Trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, giúp ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, bảo vệ gan:
Mỗi ngày dùng 150gr lá chùm ngây non rửa sạch, giã nát, thêm 300ml nước sạch vắt lấy nước cốt (hoặc dùng máy xay sinh tố), thêm 2 muỗng canh mật ong trộn đều, chia uống 3 lần dùng trong ngày.

3. Trị tăng cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerid, hoặc làm giảm acid uric, ngăn ngừa sỏi oxalate:
Mỗi ngày dùng 100gr rễ chùm ngây tươi (hoặc 30gr khô) rửa sạch, nấu với 1 lít nước, nấu sôi 15 phút, để uống cả ngày.

4. Chữa phụ nữ sinh xong, đau dạ con (Tử cung co bóp):
Rễ cây Chùm ngây 100g rửa sạch, thái mỏng, phơi khô sao vàng, hạ thổ. Sắc với 250ml nước , còn 150ml nước thuốc , chia làm 2 lần. Uống lúc đói.

5. Lắng nước, lọc nước:
Dùng 2 trái chùm ngây tươi đã có hột già. Lấy hột giã nát quậy đều 5 phút với 3 lít nước đu.c vùng lũ lụt, nước đu.c ở ruộng, ao, hồ. Để lắng 2 giờ thì có nước trong dùng được.

6. Dưỡng da :
Tại Mỹ và các nước Âu châu, cây Moringa được sử dụng rộng rãi trong công nghê dưỡng da , mỹ phẩm cao cấp. Cách dùng đơn giản: các bà các cô có thể áp dụng ngay: giã nhuyễn 20gr lá, để không hoăc trộn với dầu lấy từ hat Moringa thoa đắp 2 lần, mỗi lần 7 phút, trong một ngày , trong một tuần sẽ thấy hiệu nghiệm. (kinh nghiệm) 
lưu ý : không nên ủ đắp trên da mặt quá lâu trên 10 phút

7. Thuốc ngừa thai của dân tộc Raglay: 
Cứ 5 ngày thì dùng 2 nắm rễ cây chùm ngây còn tươi (150g) rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước còn nửa lít thuốc chia uống 2 lân trong ngày. Phụ nữ Raglay trong tuổi sinh đẻ nếu uống nước sắc rễ chùm ngây thì không có con.


Lưu ý: Phụ nữ có thai hạn chế dùng cây chùm ngây.

Vẻ đẹp và công dụng tuyệt vời của cây SALA

Cây Sala tên khoa học là Couroupita guianensis Mart. ex Berg, họ Lộc vừng Lecythidaceae, bộ Sim Myrtales. Cây Sala có 2 loại : loại hoa màu hồng và loại hoa màu đỏ.


Người ta gọi cây Sala bằng nhiều tên khác nhau như : Cây Sal (Shorea robusta Gaertn. f), cây Cannonball, cây Shorea robusta, cây Đầu Lân. Tên tiếng Anh: Cây đạn đại bác (Cannon ball-tree) do quả tròn đều như viên đại bác cổ. Ở Việt Nam, cây Sala còn gọi là cây Đầu lân, Hàm rồng. Giới chơi cây cảnh gọi là Ngọc kỳ lân. 



Cây có chiều cao tới 30-35m, phát triển chậm. Đường kính thân cây thường có chiều ngang từ 2 cho đến 2,5 m. Gỗ cứng có tính dẻo dai, đổi màu khi mới cắt ra nhưng sau đó trở thành màu sẫm hơn. Thân cây thường mọc thành hai nhánh lớn đều nhau, từ xa nhìn giống như hai cây nên còn gọi là Song thọ. Gỗ Sala được dùng nhiều trong việc xây cất nhà cửa và đóng đồ trang trí.

Vỏ cây mịn, màu nâu đỏ hoặc màu xám, thường nứt theo chiều dọc. Hoa sala ra từ thân cây, suốt từ gốc lên, chùm hoa dài ra liên tục có thể tới 3m. Hoa giống như cái đầu lân, màu vàng, trắng, đỏ hồng, có pha chút nâu nhạt ở vòng ngoài, cánh hoa rất dầy. Nụ màu xanh dợt. Mọc thành chùm dài, rất thơm được dùng trong mỹ phẩm. Hoa thường có 5-6 cánh, không đều, mỗi cánh dài từ 5-7,5 cm. Hoa rất thơm nên được dùng trong mỹ phẩm và trong hương liệu. Quả lớn tròn to đường kính quả 15–24 cm, có 200-300 hạt trong một quả.

Cây Sala phổ biến trong khu rừng tân nhiệt đới, đặc biệt là ở lưu vực sông Amazon. Nó có nguồn gốc ở Guyana (Nam Mỹ). Ngày nay cây này có thể tìm thấy ở Ấn Độ, miền nam dãy núi Hy Mã Lạp, và về sau được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á và lưu vực sông Amazon. Hiện nay, phần lớn các cây không mọc ngoài thiên nhiên mà được trồng do dạng cây lớn cổ thụ và hoa mọc đẹp, thơm và lạ.

CÔNG DỤNG

Cây sala có chứa các chất kháng sinh, kháng nấm, sát khuẩn và giảm đau. Cây được sử dụng để chữa bệnh cảm lạnh và đau dạ dày. 

Lá chứa: acid ursolic, uvaol, α-caroten, β-carotene, lutein và pheophyoin. Nước ép từ lá được dùng để chữa các bệnh ngoài da và lá non trị đau răng.

Quả Sala không có ai ăn vì có mùi hơi khó ngửi, thường được dùng theo kinh nghiệm dân gian như một loại vacine thiên nhiên cho gia cầm để ngăn ngừa dịch bệnh. Quả Sala có tính kháng sinh, kháng nấm, sát khuẩn và có tác dụng giảm đau. Bên trong quả có thể khử trùng vết thương. Hột cây chứa nhiều acid amin. Dầu hột có tính chất diệt trùng. 

Thân cây đem chiết xuất thì có được một chất khử nấm. Nhựa được sử dụng như một chất làm se trong y học cổ truyền của Ấn Độ và cũng dùng làm hương đốt trong các nghi lễ.

Lương y Bùi Thái Khiêm–người đang trực tiếp điều hành phòng khám tại chùa Tường Quan Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết hoa sala đem phơi khô, đem hãm nước uống như trà xanh có tác dụng chữa bệnh. Cụ thể những người mắc chứng mất ngủ, tâm trạng hồi hộp và mất ổn định đường huyết đều có thể vận dụng phương pháp trên. Trong các tài liệu y học từng nhắc đến công dụng hạ đường huyết (hạ huyết áp) của hoa sala.

Cách dùng cây Sala trị một số bệnh:

-Trị đau bụng, khó chịu: Đun vỏ cây Sala với sữa bò, thêm một chút đường, lọc qua vải thưa. Uống mỗi ngày với mật ong trong 21 ngày.
-Trị vết thương, đứt tay chân: Nghiền vỏ cây thành bột, trộn thành khối nhão. Hơ nóng khối nhão rồi đắp vào vết thương trong 21 ngày.
-Trị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh: Nghiền chung vỏ cây, tiêu đen, trộn với nước vo gạo, uống với mật ong khi bụng đói, chỉ uống khi bắt đầu có kinh. 

Trong y dược Ayurvedic (Ấn Độ - Pakistan), Sala được xem là một vị thuốc của phụ nữ, thường được sử dụng để trị các bệnh phụ khoa.

Tác dụng tuyệt vời của quả Đu Đủ

Trong đu đủ có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Chỉ nghe cái tên thôi cũng đã rất hấp dẫn, quả thật trong đu đủ chứa đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đu đủ chín chứa khoảng 70% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carotenoit, axit hữu cơ, vitamin A, B, C, Protit, 0,9% chất béo, xenlulô.zơ (0,5%), canxi, photpho, magiê, sắt, thiamin, riboflavin...

 ​
1. Thành phần dinh dưỡng:

Đặc biệt trong đu đủ lượng beta caroten nhiều hơn trong các rau quả khác. Beta caroten là một tiền chất của vitamin A, vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành vitamin A. Đây là một loại vi chất dinh dưỡng có vai trò là chống oxy hoá mạnh giúp chống lại một số căn bệnh ung thư, chống khô mắt, khô da và có tác dụng nhuận tràng. Trong 100g đu đủ chín chứa 2.100 mcg beta caroten.

Tuy nhiên nhu cầu beta caroten cũng cần vừa phải, nếu ăn quá nhiều, liên tục sẽ dẫn đến thừa và gây vàng da. Hiện tượng vàng da này sẽ mất nếu giảm lượng beta caroten ăn vào.

Ngoài ra trong đu đủ còn chứa nhiều vitamin. Đu đủ có thể cung cấp cho cơ thể các loại vitamin thiết yếu như vitamin A và vitamin C, trong 100g đu đủ có 74-80 mg vitamin C. Ở Ấn Độ người ta đã chiết xuất vitamin A từ quả đu đủ để sản xuất ra thuốc chống lại bệnh quáng gà ở trẻ em. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm. Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Do có nhiều sinh tố C và caroten nên đu đủ có tác dụng chống oxy hoá, tăng sức đề kháng cho cơ thể.


2. Dưỡng sinh với đu đủ:

Đu đủ chín có quanh năm và mùa nào dùng cũng tốt cho sức khoẻ. Vào mùa hè, ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Vào thu đông, đu đủ giúp nhuận táo, ôn bổ tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hoá đàm.

Đu đủ có tác dụng tốt cho những người chóng già, da mai mái, thể trạng không sung mãn, có các bệnh mạn tính. Dùng đu đủ chín 200g, chuối xiêm 300g, 3 thứ trên xay trong nước dừa non, uống hằng ngày. Đây là phép dưỡng sinh chống lão suy của người xưa.

Đu đủ chín coi là một món ăn bồi bổ và giúp sự tiêu hoá các chất thịt. Còn trong nấu ăn khi hầm các loại thịt, xương cứng người ta thường cho quả đu đủ xanh vào làm cho các thức ăn mau nhừ, nhuyễn, tiêu hoá tốt.

3. Làm đẹp với đu đủ:

Đu đủ rất giàu enzyme tự nhiên, dễ dàng thấm sâu vào làn da giúp đẹp da, mau lành các tổn thương trên da. Đu đủ cũng có tác dụng tẩy tế bào da chết, hồi phục sự tươi trẻ cho làn da.

Hỗn hợp massage da mặt từ đu đủ: Trộn đu đủ xay với một thìa dầu aloe vera và massage khắp cơ thể. Nên thực hiện đều đặn mỗi tháng 1 lần để tái tạo làn da.

Mặt nạ dành cho mọi loại da: Xay nhuyễn 1 quả đu đủ, 1 muỗng cà phê mật ong và chút nước cốt chanh. Đắp lên mặt 20 phút, rồi rửa sạch.

Với da mụn: dùng đu đủ chín bỏ vỏ và hạt, nghiền mịn làm mặt nạ lột da mặt, giúp chữa khỏi mụn trứng cá.

Quả đu đủ xanh nghiền nát với nước dùng bôi mặt hoặc tay để chữa chai chân và bệnh eczema.

Chú ý: Đặc tính tẩy tế bào chết ở đu đủ rất mạnh nên tránh dùng đu đủ trên các vùng nhạy cảm như vùng mắt, da non...

4. Chữa bệnh với đu đủ:

Trong đu đủ có chứa rất nhiều loại enzim, ví như enzim papain rất tốt cho tiêu hoá, giúp tiêu hoá các thức ăn giàu protein một cách dễ dàng hơn. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh celiac (một loại bệnh mà không thể tiêu hoá protein trong lúa mì, hay gliandin) thì có thể ăn đu đủ xanh để chữa căn bệnh này.

Tác dụng tuyệt vời của đu đủ:

Ngoài ra đu đủ còn là một vị thuốc quý của thiên nhiên. Ở Ấn Độ, Srilanka và Malaysia, người ta dùng lá, hạt và quả đu đủ xanh để phá thai. Các công trình nghiên cứu cho thấy tác dụng phá thai có được là do chất nhựa papain, có nhiều trong quả xanh, lá, hạt đu đủ. Chất này khi vào cơ thể sẽ phá huỷ progesterol là một trợ thai tố. Quả đu đủ đã chín ít nhựa thì không còn tác dụng này nữa. Ở Mỹ người ta đã chứng minh rằng quả đu đủ có thể chế biến thuốc để chữa bệnh lệch khớp xương hay có thể chế ra thuốc tiêm, có công dụng làm giảm đau do các dây thần kinh gây nên.


5. Một số chú ý:

- Không nên ăn hạt đu đủ bởi trong hạt đu đủ có chứa chất độc gọi là carpine. Với một số lượng lớn carpine sẽ làm bạn bị rối loạn mạch đập và làm suy nhược hệ thống thần kinh.
- Không ăn nhiều đu đủ chín hàng ngày trong thời gian dài vì sẽ khiến phần da lòng bàn tay, bàn chân bị vàng. Hiện tượng này hết sau một thời gian ngừng ăn.
- Loại quả này giàu đường nên cũng không dùng nhiều cho người đường huyết cao.
- Đu đủ chín có tính nhuận tràng, nên kiêng với những trường hợp đang đi ngoài hay đang uống các thuốc nhuận tẩy của Đông Tây y.
- Ăn đu đủ nên hạn chế dùng lạnh vì bản thân đu đủ có tính hàn.