Monday, March 24, 2014

Những tác dụng của Bông Bụp Giấm

Cây bụp giấm (có nơi gọi là bụt giấm) có nguồn gốc ở Tây Phi. Có tên khoa học là Hibiscus sabdariffla L., họ Bông (Malvaceae). Công dụng của cây bụp giấm rất phong phú cụ thể như lá có vị chua chua, dùng làm rau ăn. Người ta thường dùng đài hoa có vị chua làm gia vị thay giấm, chế nước giải khát, làm mứt. Có nơi dùng chế xiro. Người ta có thể cho xiro đó lên men. Lá dùng như chất thơm và cùng với đài hoa, quả để trị bệnh scorbut (do thiếu vitamin C). Toàn cây có thể chế rượu vang: Rượu có mầu đỏ đẹp, vị chát, chua dịu, dáng dấp của vang Bordeaux.


 ​
Bộ phận dùng làm thuốc là đài quả, lá. Được thu hái vào mùa thu, lúc các lá đài còn mềm, không nhăn héo và có màu đỏ sẫm. Và cũng chỉ thu hái trong vòng 15 – 20 ngày sau khi hoa nở vì để lâu, dược liệu sẽ kém phẩm chất. Kết quả nghiên cứu về dược lý cho thấy, đài hoa bụp giấm có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng. Kinh nghiệm dân gian là nhai ngậm đài hoa bụt giấm để trị viêm họng, ho. Đài và lá cũng được dùng làm thuốc nhuận gan, lợi tiểu. Có hàm lượng vitamin A, B1, C, D, E, F cao và nhiều axít hữu cơ khác. Gần đây, Rovesti và Griebel công bố tác dụng chữa xơ vữa động mạch và tính kháng khuẩn đường ruột cao của bụp giấm.



Còn theo tài liệu nước ngoài, những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh hoạt chất từ Bụp giấm có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, chống ôxy hóa (sự già hóa của cơ thể), giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng cường chức năng tiêu hóa, nhuận tràng, hạ huyết áp, làm giảm cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch, giảm sự đọng lipid ở gan và bảo vệ tế bào gan. Nó thường được phối hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh gan mật, cao huyết áp. Liều dùng 9 - 15 gr đài hoa, sắc hoặc hãm nước uống. Nhiều nước đã dùng Bụp giấm làm nước giải khát, trà giải nhiệt. Lá non dùng làm rau ăn, cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát.

Tuy nhiên, không dùng cánh hoa làm dược liệu vì chưa có nghiên cứu về tác dụng của cánh hoa.

No comments:

Post a Comment