Monday, March 24, 2014

Tìm hiểu tác dụng của cây Sò Đo Cam

Sò Đo Cam (Spathodea campanulata P. Beauv.) còn có tên là Chuông Đỏ, Hồng Kỳ, Đỉnh Phượng Hoàng, Tulip Phi Châu, thuộc họ Núc Nác (Bignoniaceae). Sò Đo cam có nguồn gốc từ Châu Phi, bắt đầu được trồng tại Việt Nam từ những năm 1960. Sò Đo Cam thuộc loại thân gỗ lớn, cao từ 12 -15m, tán lá rậm, lá thường xanh. Lá kép lông chim 1 lần, mọc đối. Cụm hoa mọc ở đầu cành, màu đỏ cam. Quả nang đứng, nhiều hạt, hạt có cánh.


Do hoa Sò Đo Cam có màu sắc đẹp, khi nở rộ tạo những mảng màu đỏ cam rực rỡ trên tán cây nên rất được ưa chuộng, được trồng nhiều nơi ở Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Khoảng cuối năm 2011, trên báo chí và internet tràn ngập thông tin cho rằng cây Sò Đo Cam là “cây ngoại lai xâm hại”, “kẻ xâm lăng thầm lặng”… và khuyến cáo không nên trồng loài cây này.


TRÍCH DẪN: “Theo tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cây Sò đo cam đã xâm hại các vùng đất nông nghiệp bỏ hoang và rừng rậm, hạt có khả năng phát tán trong gió và nảy mầm rất nhanh. Vì vậy, tổ chức này đã liệt Sò đo cam vào danh sách 100 loại sinh vật ngoại lai xâm hại, cảnh báo không trồng loại cây này”.

“Thêm vào đó, ẩn sau vẻ đẹp rực rỡ, Sò đo cam lại chứa trong mình một loại chất độc rất nguy hiểm, được gọi là biolarvicides, thường có trong hoa của cây. Đây là loại chất độc gây ảnh hưởng tới nhiều sinh vật sống xung quanh sò đo cam, khiến hệ sinh thái bị thay đổi. Nếu không có các biện pháp kịp thời, Sò đo cam sẽ gây ra sự biến mất dần dần của các quần thể động vật sống xung quanh cây, đe dọa đa dạng sinh học bản địa”.

Theo TS Phạm Trịnh Hùng - phó trưởng khoa Lâm Nghiệp ĐH Nông Lâm TP. HCM: “Spathodea campanulata là cây phát tán hạt qua gió, mọc nhanh, có khả năng loại bỏ các cây khác trong cùng phạm vi phân bố. Từ đó cho thấy cây này sẽ nhanh chóng xâm chiếm các vùng đất hoang hóa, các vùng rừng đã bị tác động dẫn đến việc làm giảm mức độ đa dạng sinh học do sự cạnh tranh tiêu cực của chúng với các loài cây khác.

Trong một hệ sinh thái thì các sinh vật sống có mối quan hệ qua lại theo chuỗi thức ăn, việc mất đi đa dạng thực vật sẽ hình thành hệ quả cho việc mất đi sự đa dạng của các loài động vật, từ đó đưa đến sự biến đổi, suy thoái hệ sinh thái và tất yếu có cội nguồn từ việc mất đa dạng sinh học bản địa”.

----

Từ những thông tin trên đã dấy lên nguồn dư luận kết án việc trồng Sò Đo Cam để trang trí đường phố, công viên và các khu resort.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, Sò Đo Cam không gây ra nguy cơ xâm lấn như thông tin báo chí đã nêu. Trong tạp chí Hoa Cảnh số 11-2011, tác giả Nguyễn Thiện Tịch, GV trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, Tổng thư ký Hội Hoa Lan Cây Cảnh đã phản biện trong bài “Sò Đo Cam – Kẻ xâm lăng thầm lặng?” như sau:

“….. Trong thực tế, cây Sò Đo Cam đã được trồng từ rất lâu ở nhiều địa phương trong đất nước chúng ta, nhưng chúng đã gây ra những tiêu cực gì? Chúng đã ‘loại bỏ các cây khác trong cùng phạm vi phân bố’ hay ‘nhanh chóng xâm chiếm các vùng đất hoang hóa’ ? Hãy chỉ rõ nơi nào, vùng miền nào ở Việt Nam đã bị cây Sò Đo Cam xâm chiếm. Nói rõ, chỉ rõ loài cây gì đã bị Sò Đo Cam loại bỏ ở Việt Nam?”

“Sò Đo Cam ‘phát tán hạt qua gió, mọc nhanh’ ? Đúng là hạt Sò Đo Cam có cánh để phát tán theo gió, nhưng phát tán bao xa? Cánh của hạt Sò Đo Cam cũng như cánh của hạt cây Nhạc Ngựa, hạt cây Bằng Lăng… cánh chỉ là phần mỏng dính theo trái nên nếu có bay xa thì cũng không quá 10m. Trái lại cánh của hạt Gòn, Lòng Mứt, Mai Chiếu Thủy… thì như cái dù bọc gió, bay xa cả cây số, thế mà Lòng Mứt, Bông Gòn, Mai Chiếu Thủy… còn chưa có khả năng xâm chiếm vùng miền nào! Hạt Sò Đo Cam mọc nhanh ư? Xin thưa rằng phải lập vườn ươm để gieo hạt, nuôi trồng rồi cung cấp cho công viên, người trồng kiểng đấy. Như vậy qua thực tế cho thấy hạt Sò Đo Cam không phát tán xa, không mọc nhanh dễ dàng để ‘loại bỏ’, ‘xâm chiếm’ đối tượng nào ở Việt Nam!”

Cũng theo tác giả Nguyễn Thiện Tịch, trong danh sách cập nhật 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới công bố năm 2004 bởi tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) còn có cây Thơm Ổi (Ngũ Sắc) và cây Bọ Chét/Keo Dậu (Leucoena leucocephala) vốn đã được trồng tại VN từ rất lâu nhưng chưa hề thấy tác dụng xâm lấn của chúng đối với các loài thực vật khác.

Có thể nói, việc cây trở thành "loài thực vật xâm hại" còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường của từng quốc gia. Cây Sò Đo Cam đầu tiên được trồng tại Lâm Đồng - Việt Nam là do kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu mang về từ Versailles (Pháp) năm 1958. Đến nay đã hơn 50 năm Sò Đo Cam phát triển tại Việt Nam nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì là “kẻ xâm lăng thầm lặng”.

Tuy vậy, điều mọi người băn khoăn là: Trong cây Sò Đo Cam có chứa chất độc gây nguy hiểm cho con người hay không?

Theo bài viết của tác giả Nguyễn Thiện Tịch thì: “Sò Đo Cam cũng là cây thuốc, theo Cây Cỏ Vị Thuốc của GS. Phạm Hoàng Hộ thì vỏ cây Sò Đo Cam chứa Acid Spatodic. Vỏ cây đắp hay sắc uống trị lở bao tử, đái đường, sưng đường tiểu, sốt rét do Plasmodium berghei berghei”. 

Còn theo những bài báo phổ biến trên Internet (nhưng không ghi nguồn trích dẫn và tác giả) thì: “Sò Đo Cam lại chứa trong mình một loại chất độc rất nguy hiểm, được gọi là biolarvicides, thường có trong hoa của cây”.

Tuy nhiên, biolarvicides là một loại chất trừ sâu theo cơ chế sinh học (chỉ có tác dụng diệt trừ sâu bọ theo cách thức: chất này sẽ kết hợp với men tiêu hóa trong ruột sâu bọ, hòa tan các tinh thể để tạo thành các thành phần hoạt chất diệt côn trùng) , không gây độc hại cho cơ thể con người. (theo Certis Hoa Kỳ - Tổ chức hàng đầu thế giới về nghiên cứu và sản xuất thuốc trừ sâu sinh học).

Và theo kỹ sư cây xanh Trúc Lâm hiện đang làm và quản lý tại công ty Trúc Lâm Hà Nội thì: "Qua các thông tin, và một số bài viết tại nước ngoài thì tôi giám khẳng định cây Sò Đo Cam không phải là cây có hại. Chúng tôi đã trồng hàng nghìn cây này ở các khu đô thị, công viên nhưng chưa thấy sự phản ánh nào tiêu cực về giống cây này. Vườn ươm của chúng tôi có hàng vạn loại cây này."

Rõ ràng, chúng ta vẫn có thể trồng Sò đo cam tại Việt Nam vì vẻ đẹp tuyệt vời, công dụng hữu ích và tiềm năng gây hại không đáng kể của nó.

No comments:

Post a Comment